Đền ở thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khu vực đền thờ có tổng diện tích gần 4 ha. Kiến trúc đền kiểu chữ công (I) rộng: 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung.

Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân
Trên mái và dọc hai bên giải tiền đường gắn các đầu đao và các con nghê trong các tư thế khác nhau, đặc biệt ở mỗi đầu đao được gắn một mặt hổ phù. Ngay phía ngoài hiên, kéo gần hết chiều ngang gian giữa, phía trên bộ cửa bức bàn là một bức chạm rồng, bộ cửa bức bàn ngăn cách trung đường với nhà hậu cung bằng kỹ thuật chạm thủng thể hiện những con phượng xòe rộng cánh, những con long mã đang phi nước kiệu, hai con sư tử đang vờn nhau…mang đặc trưng tính dân gian trong nghệ thuật trang trí ở thế kỷ XVII. Đặc biệt trong đền còn giữ được nhiều hiện vật như: Đỉnh đồng; bình hương đồng màu đen có khắc chữ: “Thiên cổ”; những chiếc bình bằng sứ; 05 chén bạc, ống đựng đũa; một bức họa chân dung Lê Đại Hành, tương truyền do thợ Trung Quốc vẽ; 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674 – 1887 và một chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn, trên đĩa có ghi dòng chữ Hán:
Giang Nam nhất phiến tuyết
Trác khí vạn niên trân
(Một phiến đá trắng ở Giang Nam, mài gọt nên vật quý vạn năm).
Câu đối ở đền thờ còn nhiều. Đáng chú ý là câu đã được ghi chép trong sử sách. Nhắc chuyện bà mẹ vua là bà Đặng Thị nằm mộng thấy hoa sen, sinh ra vua và chuyện bà Dương Thái Hậu khoác áo hoàng bào cho vua. Câu đối viết:
Liên hoa kết thực vương đồ triệu
Long cổn thùy quang đế vị tôn
(Mộng kết hoa sen điềm dựng nước
Hoàng bào ánh tỏa xứng ngôi vua).
Đền Lê Hoàn còn có tấm bia do Hoàng giáp Nguyễn Thực soạn năm 1626. Và tấm bia nhỏ hơn nhưng lại dựng trước (1601) do Phùng Khắc Khoan soạn. Gần đền Lê Hoàn còn có đền thờ mẹ của ông. Năm 1926, nhân dịp trùng tu đền, theo lời đề nghị của dân bản xã, thượng thư Nguyễn Thực soạn văn bia, Hiển cung Đại phu Thái Bộc tự thiếu khanh Đỗ Nghiêm viết chữ dựng bia. Văn bia gồm 2 phần, phần “tự” và phần “minh”, nội dung văn bia nhắc về thuyết bà Đặng Thị mộng hoa sen sinh ra Lê Hoàn và biện giải việc lên ngôi của Ông là hợp lẽ, do lòng người suy tôn. Văn bia ghi lại rất súc tích về những chiến công to lớn của người anh hùng Lê Hoàn; nắm binh quyền mười đạo đánh bại quân Tống xâm lược, bắt sống vua Chiêm rửa nhục cho việc sứ giả Đại Việt bị Chiêm Thành bắt giữ. Vua Tống phải thừa nhận độc lập dân tộc của Nhà nước ta và phong Lê Đại Hành là Nam Bình Vương, làm vua 24 năm (980 – 1005) thọ 64 tuổi.
Lễ hội ở đền tổ chức vào các ngày 7,8 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Tổng hợp
Tài liệu tham khảo: Bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa: Di tích và Danh thắng Thanh Hoá tập 1. Nxb Thanh Hóa, 2000.