Thiệu Hóa là huyện đồng bằng trung tâm của xứ Thanh – vùng đất của lịch sử, văn hóa và giàu truyền thống cách mạng đã có nhiều đóng góp đáng kể cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những đóng góp của Thiệu Hóa trong phong trào Việt Minh là những đóng góp to lớn góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng Tám năm 1945.
Đầu năm 1945, chính sách vơ vét thóc gạo của Nhật – Pháp và thiên tai diễn ra đã đẩy nhân dân Thanh Hóa nói chung và Thiệu Hóa nói riêng lâm vào cảnh túng đói nghiêm trọng. Trước tình hình đó, ngày 05/3/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kịp thời ra chỉ thị “Đòi ăn” để phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn. Hưởng ứng Chỉ thị “Đòi ăn”, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, các cán bộ, đảng viên ở nhiều làng, tổng trong huyện đã vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh, vay lúa nhà giàu để kịp thời cứu đói, đồng thời làm đơn lên phủ, lên tỉnh đề nghị trợ cấp khó khăn khẩn cấp. Ngoài ra, các cán bộ cách mạng còn động viên, khuyến khích tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong nhân dân.
Trong khi phong trào đấu tranh cách mạng trong cả tỉnh, cả nước đang diễn ra mạnh mẽ thì ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Không đầy một năm sau, thực dân Pháp chính thức đầu hàng Nhật. Tranh thủ thời cơ này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tổ chức một cuộc họp mở rộng tại Từ Sơn (Bắc Ninh) để nhận định tình hình và ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945) nhằm phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Từ giữa năm 1945, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Phủ ủy Thiệu Hóa đã đẩy mạnh hơn việc củng cố, phát triển các đoàn thể cứu quốc, đẩy mạnh xây dựng, huấn luyện lực lượng tự vệ, mua sắm, trang bị vũ khí và phát động đấu tranh với các hình thức cao ở quy mô lớn hơn, để chuẩn bị đón thời cơ giành chính quyền. Vào tháng 6/1945, sau khi được tham dự lớp huấn luyện chính trị, quân sự ở chiến khu Quang Trung do Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức, các đồng chí Ngô Đức và Lê Thái Bình đã mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho lực lượng tự vệ các tổng của Thiệu Hóa.
Trong thời điểm này, ở nhiều địa phương của Thiệu Hóa, các cuộc họp, mít - tinh, rải truyền đơn, dán áp phích kêu gọi nhân dân hưởng ứng Mặt trận Việt Minh diễn ra sôi nổi, liên tiếp. Lực lượng tự vệ cứu quốc ở các làng đã chuyển thành tự vệ chiến đấu và con số ngày càng được bổ sung nhiều hơn. Phong trào tập võ dân tộc và huấn luyện quân sự diễn ra công khai, rầm rộ. Việc canh gác, tuần tra bảo vệ cán bộ và cơ sở cách mạng được bố trí rất cẩn thận, chu đáo. Trước khí thế lớn mạnh của lực lượng và phong trào cách mạng, bộ máy chức dịch tay sai ở các địa phương hoang mang, giao động đến cực điểm đều nằm im và không dám chống lại. Những tên đầu sỏ, ngoan cố đều bị cô lập và cảnh cáo nghiêm khắc. Ở các làng Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Long Linh, Yên Lộ, Bình Ngô… Bộ máy chính quyền tay sai chỉ còn là hình thức, vì thực chất lực lượng cách mạng đã gần như làm chủ được tình hình tại địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và tổ chức Việt Minh, liên tiếp trong 3 tháng 5, 6 và 8 năm 1945, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng của Thiệu Hóa được tham gia mít - tinh tại các địa điểm tập trung đông người như chợ Đu, chợ Go, Thung Dung, Hà Thanh, Đa Miên, Đình Tháp… Đồng thời, để phối hợp, hỗ trợ với phong trào của Thọ Xuân, Yên Định, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng của Thiệu Hóa đã được huy động tham gia vào các cuộc mit-ting diễn thuyết xung phong ở chợ Neo, chợ Thạc, chợ Bản… Việc rèn sắm vũ khí và quyên góp tiền bạc, thóc gạo cho “Quỹ khởi nghĩa” ở các làng trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, đã thu hút được hầu hết mọi người, mọi nhà tham gia. Đến lúc này, nhờ được sự huấn luyện quân sự và được trang bị vũ khí, lực lượng tự vệ của các làng, tổng đã có đủ khả năng để đối phó với các cuộc tấn công của địch.
Có thể nói, cho đến những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1945, phong trào chuẩn bị khởi nghĩa ở toàn phủ Thiệu Hóa đã đến độ chín muồi. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, ngày 14/8/1945, Tỉnh ủy mở cuộc họp tại làng Mao Xá để bàn kế hoạch xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Ngô Ngọc Toản làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thiệu Hóa.
Ngày 17/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Thiệu Hóa đã cấp tốc tổ chức hội nghị cũng tại làng Mao Xá, để bàn biện pháp triển khai lệnh khởi nghĩa của Tỉnh ủy Thanh Hóa, dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Đức – Tỉnh ủy viên – Bí thư Phủ ủy. Tham gia hội nghị còn có các đồng chí: Ngô Ngọc Toản, Hoàng Văn Quế, Hoàng Văn Khai, Lê Thái Bình… Sau khi thảo luận, hội nghị đi đến thống nhất kế hoạch giành chính quyền vào đêm 18/8/1945.
Chiều tối ngày 18/8/1945, để đề phòng sự chi viện của địch khi khởi nghĩa diễn ra, Ủy ban khởi nghĩa đã bố trí các đơn vị tự vệ chiến đấu khác mai phục sẵn sàng ở các điểm giao thông trọng yếu như cầu Kịt, cầu Giàng, Ngã Ba Chè, đồng thời phối hợp với lực lượng tự vệ huyện Đông Sơn để mai phục ở rừng Thông. Với các bố trí này, nếu địch có rút lui cũng bị chặn đánh.
Theo kế hoạch đã định, chờ đến khi đêm đến, cả hai cánh quân đã bí mật tập kết đến địa điểm quy định để bao vây và chờ lệnh tấn công phủ đường và trường tiểu học Pháp Việt. Đúng giờ quy định, cả 36 trung đội với hơn 10 khẩu súng trường và các loại kiếm, mác, mã tấu đã đồng loạt xông lên. Từ trường tiểu học Pháp Việt, địch bắn xối xả ra ngoài. Quân ta dùng loa kêu gọi đầu hàng nhưng chúng vẫn ngoan cố chống cự.
Được lệnh của Ban chỉ huy, tự vệ đã tìm cách đốt trường. Thấy lửa cháy, địch hốt hoảng co cụm vào một số phòng học để chống cự. Nhưng trong tình thế bị bao vây, rồi tiếng súng, tiếng loa gọi hàng của tự vệ đã làm cho địch không còn tinh thần chống lại. Cuối cùng, đội Thuật và toàn bộ số binh lính còn lại mở một đường máu để chạy thoát thân. Lực lượng khởi nghĩa đã toàn thắng khi trời vừa sáng. Quân ta thu được 11 khẩu súng và đốt phủ đường. Tuy nhiên, trong cuộc tổng khởi nghĩa này, 14 chiến sỹ tự vệ của Thiệu Hóa đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
TSD “Giành chính quyền cách mạng ở huyện Thiệu Hoá, ngày 19/8/1945”
Ngày 19/8/1945, sau khi làm chủ hoàn toàn phủ lỵ Thiệu Hóa, Ủy ban khởi nghĩa đã về đóng tại thôn Quan Trung để điều hành những công việc cấp bách trước mắt. Cũng trong ngày 19/8, ở tất cả mọi làng, tổng trong phủ Thiệu Hóa, lực lượng cách mạng cũng giải quyết xong việc giải tán bộ máy chính quyền tay sai, thu hồi đồng triện ấn tín để trực tiếp quản lý, điều hành công việc tại địa phương.
Ngày 20/8/1945, tại phủ Thiệu Hóa, một cuộc mit-ting lớn đã được tổ chức với sự tham gia của hàng ngàn tự vệ và quần chúng nhân dân trong toàn phủ. Tại đây Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Ngô Ngọc Toản làm Chủ tịch đã ra mắt trước nhân dân trong tiếng hoan hô vang dội. Sau đó, lễ truy điệu 14 liệt sỹ đã hi sinh trong cuộc tổng khởi nghĩa đánh chiếm phủ đường cũng được tổ chức trọng thể nghiêm trang. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Thiệu Hóa đã góp phần cùng với nhân dân các huyện trong tỉnh làm nên Cách mạng tháng Tám thành công trên toàn tỉnh. Ngày 23/8/1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Tiến Trình, các đơn vị chiến đấu của Thiệu Hóa đã tập trung tại đình Ngô Xá (nay thuộc xã Thiệu Minh) rồi tiến về thị xã dự lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đây, Thiệu Hóa lại cùng nhân dân cả nước tiếp tục công cuộc xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân và chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới đầy khó khăn gian khổ nhưng vô cùng vĩ đại.
N.B.N (tổng hợp)
(phòng KK-BQ)
TLTK:
- Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hoá, Lịch sử Thanh Hoá, nxb Khoa học xã hội – HN, 1996.
- Huyện uỷ - HĐND – UBND huyện Thiệu Hoá - tỉnh Thanh Hoá, Địa chí huyện Thiệu Hoá, nxb Khoa học xã hội – HN, 2010.